Trong thực tế có nhiều trường hợp đã tặng cho nhà đất cho người khác, nhưng vì phát sinh mâu thuẫn hoặc một số vấn đề khác mà người tặng cho muốn đòi lại tài sản từ người đã được mình tặng cho tài sản đấy. Điều này liệu có được pháp luật cho phép?
1. Một số quy định pháp luật về tặng cho nhà đất
Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Theo đó, Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, Hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Đây cũng là quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014.
Ngoài ra, Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất thì việc tặng cho đất, nhà phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Cũng theo khoản 1 Điều này, người tặng cho nhà đất phải đáp ứng đủ một số điều kiện sau mới đủ quyền thực hiện việc tặng cho:
- Có Giấy chứng nhận.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, khi thực hiện việc tặng cho nhà, đất phải lập thành văn bản, thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực và đăng ký với cơ quan đăng ký đất đai.
2. Đã tặng cho nhà đất rồi liệu có đòi lại được không?
Theo Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, bên tặng cho có thể yêu cầu bên nhận tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Nếu không thực hiện thì người tặng cho có quyền đòi lại tài sản đã tặng cho và yêu cầu bồi thường.
Theo đó, nếu việc tặng cho nhà đất đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết và đúng quy định của pháp luật thì không thể đòi lại được trừ trường hợp khi thực hiện hợp đồng tặng cho có điều kiện. Điều kiện tặng cho phải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, chỉ trong trường hợp các bên có thỏa thuận trước về điều kiện tặng cho và được ghi trong hợp đồng thì khi người nhận tặng cho không thực hiện theo thỏa thuận, người tặng cho mới được đòi lại tài sản.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015, các bên sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nếu bên tặng cho chứng minh được Hợp đồng tặng cho nhà, đất vô hiệu:
– Do không tuân thủ quy định về hình thức như không lập thành văn bản, không công chứng, chứng thực.
– Do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 129 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc
- Hướng dẫn xác định nguồn gốc sử dụng đất khi làm sổ đỏ
- Chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai có phải thành lập doanh nghiệp hay không?
- Đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư chuyển lên thổ cư có được không?
- Thời hạn nộp hồ sơ xin giảm tiền thuê đất năm 2023 là khi nào?
- 02 chính sách theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ tháng 4/2024