Cách giải quyết tranh chấp đất đai năm 2025

25/04/2025 12:37
Cách giải quyết tranh chấp đất đai năm 2025

Tranh chấp đất đai là một loại tranh chấp có tính thường xuyên và phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, các vụ việc tranh chấp đất đai rất phức tạp và khó giải quyết. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, Luật sư xin đưa ra các cách giải quyết tranh chấp đất đai để bạn đọc có thể nhanh chóng tháo gỡ được vướng mắc và tiết kiệm được chi phí, thời gian giải quyết.

1. Tranh chấp đất đai là gì?

Tại Khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Như vậy, tranh chấp đất đai có phạm vi rộng, là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều bên trong quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đất đai. Dựa vào khái niệm tranh chấp đất đai, có thể chia thành các nhóm tranh chấp đất đai như sau:

Thứ nhất, tranh chấp về quyền sử dụng đất bao gồm:  Tranh chấp mốc giới, Tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất, tranh chấp phân chia di sản thừa kế …

Thứ hai, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất: Tranh chấp hợp đồng mua bán, tặng cho quyền sử dụng đất; Tranh chấp văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế; Tranh chấp hợp đồng đặt cọc …

Cách giải quyết tranh chấp đất đai năm 2025
Cách giải quyết tranh chấp đất đai năm 2025

2. Các cách giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của Luật đất đai năm 2024:

2.1. Thứ nhất, hoà giải tranh chấp đất đai:

Nhà nước ta rất khuyến khích các bên thương lượng, hoà giải tranh chấp đất đai để tiết kiệm chi phí, thời gian cho các bên. Vì vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rất rõ ràng về chế định hoà giải tranh chấp đất đai. Cụ thể, khi phát sinh tranh chấp mà hai bên không tự hoà giải được thì một trong hai bên có quyền gửi đơn đề nghị UBND cấp xã/phường tổ chức hoà giải tranh chấp đât đai. Các bước hoà giải như sau:

  • Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
  • Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hoà giải tranh chấp đất đai, UBND cấp xác phải tổ chức buổi hoà giải có đại diện hai bên và Hội đồng hoà giải.
  • Việc hoà giải Hội đồng hoà giải phải lập biên bản hoà giải thành hoặc Biên bản hoà giải không thành.

Cần lưu ý, các tranh chấp về quyền sử dụng đất được chúng tôi lý giải ở trên là các tranh chấp bắt buộc phải hoà giải tại xã/phường trước khi có đơn khởi kiện tới Toà án nhân dân có thẩm quyền hoặc UBND cấp huyện. Trường hợp hoà giải thành có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.

2.2. Thứ hai, yêu cầu UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp đất đai.

Đối với các tranh chấp quyền sử dụng đất mà các bên không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có giấy tờ về quyến sử dụng đất thì sau khi hoà giải tại cấp xã không thành, một trong hai bên có thể gửi đơn đề nghị UBND cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Thẩm quyền giải quyết như sau:

  • Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
  • Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết

Sau khi nhận được đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, UBND phải lập hội đồng xác minh và báo cáo vụ việc. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập được, UBND ban hành Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hiệu lực thi hành.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên.

Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên nghiêm chỉnh chấp hành. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.

2.3. Thứ ba, gửi đơn khởi kiện tới Toà án nhân dân có thẩm quyền.

Sau khi hoà giải tranh chấp tại xã/phường, một trong các bên có thể gửi đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tới Toà án nhân dân có thẩm quyền. Toà án giải quyết trong các trường hợp sau:

  • Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ về đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
  • Các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất.

Cần lưu ý, đối với các tranh chấp về giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, tranh chấp phân chia di sản thừa kế và một số tranh chấp khác thì Toà án có thể thụ lý đơn khởi kiện mà không cần phải hoà giải tranh chấp đất đai tại cấp xã/phường.

3. Luật Sư Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai tại Vĩnh Phúc – Phú Thọ

Tư vấn – Giải quyết – Đại diện tham tranh tụng các tranh chấp có đối tượng là đất đai bao gồm nhưng không giới hạn:

– Tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất như: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dung đất…Tranh chấp do lấn chiếm đất đai;

– Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất;

– Tranh chấp tài sản gắn liền với đất;

– Tranh chấp đất đai về mốc giới, ranh đất đai, nhà ở;

– Tranh chấp về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, có tài sản trên đất;

–   …

Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *