Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để cơ quan để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp. Vậy cách xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào?
1. Mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cụ thể: Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
+ Trang 1: gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Trang 2: in chữ màu đen gồm mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.
+Trang 3: in chữ màu đen gồm mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.
+ Trang 4: in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.
+ Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận.
2. Cách đọc nội dung từng trang của giấy chứng nhận
Trang 1 bao gồm: Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận.
Khi xem thông tin chủ sở hữu thì cần chú ý một số vấn đề:
– Xác định được chủ sở hữu quyền sử dụng đất
– Đối chiếu giấy tờ cá nhân và thông tin trên giấy chứng nhận có khớp không
– Xác định xem sổ cá nhân hay gia đình 2 vợ chồng đứng tên. Sổ hộ gia đình có chung 1 người đại diện và kèm theo phần ghi chú là tài sản chung của hộ gia đình. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung. Sổ của người dưới 18 tuổi sẽ có thông tin người giám hộ ngay bìa.
Trang 2 bao gồm 2 nội dung:
Thứ nhất, thể hiện thông tin của thửa đất bao gồm số hiệu của thửa đất trên bản đồ địa chính; Số thứ tự tờ bản đồ địa chính có thửa đất cấp Giấy chứng nhận; Địa chỉ thửa đất; Diện tích; Hình thức sử dụng; Mục đích sử dụng; Thời hạn sử dụng đất; Nguồn gốc sử dụng. Trong đó cần lưu ý một số thông tin như:
– Hình thức sử dụng: theo khoản 5 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, hình thức sử dụng được ghi như sau:
+ Ghi “Sử dụng riêng” nếu toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân hoặc một hộ gia đình, hai vợ chồng, một cộng đồng dân cư, một tổ chức trong nước, một cơ sở tôn giáo, một cá nhân nước ngoài, một người Việt Nam định cư ở nước ngoài,…).
+ Ghi “Sử dụng chung” nếu toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất.
Lưu ý: Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận nhỏ hơn diện tích cả thửa đất và có hình thức sử dụng chung, sử dụng riêng đối với từng loại đất thì lần lượt ghi “Sử dụng riêng” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng kèm theo; ghi “Sử dụng chung” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng chung kèm theo.
– Mục đích sử dụng đất: căn cứ khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mục đích sử dụng đất ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất như sau:
+ Nhóm đất nông nghiệp gồm: “Đất chuyên trồng lúa nước”, “Đất trồng lúa nước còn lại”, “Đất trồng lúa nương”, “Đất trồng cây hàng năm khác”, “Đất trồng cây lâu năm”, “Đất rừng sản xuất”, “Đất rừng phòng hộ”, “Đất rừng đặc dụng”, “Đất nuôi trồng thủy sản”, “Đất làm muối”, “Đất nông nghiệp khác”.
+ Nhóm đất phi nông nghiệp gồm: “Đất ở tại nông thôn”, “Đất ở tại đô thị, “Đất thương mại, dịch vụ”, “Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”, “Đất phi nông nghiệp khác”,…
Lưu ý: Trường hợp thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cho một người sử dụng đất vào nhiều mục đích thì phải ghi đầy đủ các mục đích đó. Nếu thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích mà trong đó đã xác định mục đích chính, mục đích phụ thì tiếp sau mục đích chính phải ghi “(là chính)”.
Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà một phần diện tích được công nhận là đất ở và phần còn lại được công nhận sử dụng vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp thì lần lượt ghi “Đất ở” và diện tích được công nhận là đất ở kèm theo, tiếp theo ghi lần lượt từng mục đích sử dụng đất cụ thể thuộc nhóm đất nông nghiệp và diện tích kèm theo.
Thứ hai, thể hiện thông tin về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ bao gồm cá thông tin về: Loại nhà ở; Diện tích xây dựng; Diện tích sàn; Hình thức sở hữu; Cấp (hạng) nhà ở; Thời hạn được sở hữu.
Trang 3,4: Thông tin quy hoạch và những thay đổi khi cấp giấy chứng nhận
– Thông tin quy hoạch:
+ Thông tin quy hoạch ở phần ghi chú, hoặc căn cứ vào tọa độ và sử dụng phần mềm. Nếu có thì trong trường hợp khu đất bị thu hồi thì có được đền bù không.
+ Diện tích nằm trong quy hoạch theo sơ đồ khu đất
+ Thông tin biến động (phần IV). Nếu không có thì chưa có biến động kể từ lúc cấp sổ gần nhất;
+ Thông tin bị hạn chế quyền;
+ Đọc hiểu sổ đỏ có bị hạn chế quyền chuyển nhượng sử dụng đất không;
+ Xem sổ có bị nợ nghĩa vụ tài chính không, nếu có thì người nhận được quyền chuyển nhượng sẽ không thế chấp ngân hàng hay sang nhượng tiếp được;
+ Xem cơ quan cấp Giấy chứng nhận là quận, huyện, Sở TN&MT, UBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Các thông tin thay đổi sau khi cấp sổ đỏ ở phần IV: thay đổi chủ sở hữu; thay đổi mục đích sử dụng đất; đính chính giấy chứng nhận; tình trạng thế chấp làm tài sản đảm bảo;….
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc
- Đất sử dụng ổn định là gì? Căn cứ vào đâu để xác định đất được sử dụng ổn định?
- Những đối tượng không được làm chứng lập di chúc thừa kế nhà đất
- Quy định về hòa giải tranh chấp đất đai từ ngày 01/1/2025
- Bỏ khung giá đất và nhiều điểm mới về bảng giá đất
- Tổng hợp các hợp đồng về nhà đất không phải công chứng
Pingback: Hướng dẫn nhận biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả - Pháp luật Đất đai