Hợp đồng mua bán nhà đất là một trong số các mẫu hợp đồng phổ biến đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay. Giao dịch mua bán nhà đất thường có giá trị lớn, do đó, hợp đồng phải chứa các điều khoản rõ ràng, minh bạch để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên sau này. Dưới đây là hợp đồng mua bán nhà đất mới nhất 2024.
1. Mẫu hợp đồng mua bán nhà đất
Tải về tại đây: Hợp đồng mua bán nhà đất
2. Hợp đồng mua bán nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực
Điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:
“a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.”
Như vậy, hiện nay khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng theo quy định, trừ trường hợp một hoặc các bên chuyển nhượng là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
3. Nơi công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán nhà đất
* Nơi công chứng hợp đồng chuyển nhượng
Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định phạm vi công chứng như sau:
“Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”
Theo đó, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với thì các bên công chứng tại phòng công chứng nhà nước hoặc văn phòng công chứng tư có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà đất.
* Nơi chứng thực hợp đồng chuyển nhượng
Chứng thực hợp đồng chuyển nhượng tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất, nhà ở.
4. Không bắt buộc đặt cọc khi mua bán nhà đất
Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau:
“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”
Mặc dù đặt cọc là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng không bắt buộc các bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở phải thực hiện. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà các bên nên ký hợp đồng đặt cọc để “làm tin” trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng.
5. Được phép thỏa thuận người nộp thuế TNCN
Theo điểm c khoản 5 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Người có thu nhập là người có nghĩa vụ nộp thuế.
Đối chiếu với quy định trên, bên bán là người có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, vì là người có thu nhập. Tuy nhiên, pháp luật không cấm các bên thỏa thuận về người nộp.
Việc thỏa thuận người nộp còn ảnh hưởng đến thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân, cụ thể:
– Nếu hợp đồng không có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán thì nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực (kể từ ngày công chứng hoặc chứng thực).
– Nếu hợp đồng chuyển nhượng có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán thì nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (tối đa là 30 ngày kể từ ngày công chứng hoặc chứng thực).
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc