Trong giao dịch kinh doanh bất động sản, đất thuộc quy hoạch hay không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm bởi đất nằm trong quy hoạch sẽ bị hạn chế một số quyền lợi nhất định của người sử dụng đất. Luật Hùng Phúc sẽ hướng dẫn 4 cách đơn giản để kiểm tra một mảnh đất có thuộc quy hoạch hay không trong bài viết này nhé!
1. Đất quy hoạch là gì
Căn cứ khoản 36 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định: Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và khoanh vùng đất đai cho các mục đích phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng đơn vị hành chính cho thời kỳ xác định.
Như vậy, có thể hiểu đất quy hoạch là những thửa đất nằm trong phạm vi ranh giới quy hoạch của các dự án phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Đất nằm trong quy hoạch sẽ bị hạn chế một số quyền lợi nhất định của người sử dụng đất. Chẳng hạn như người mua sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc xin giấy phép để sửa chữa nhà, thi công, cải tạo.
2. Cách để kiểm tra một mảnh đất có thuộc quy hoạch hay không?
2.1. Kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp
Theo Điều 8 và Điều 39 Thông tư số 10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ có thông tin sơ đồ thửa đất và thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất. Nếu một phần thửa đất thuộc quy hoạch giao thông hay có chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất đi qua thì cũng được thể hiện tại mục Sơ đồ thửa đất và mục Hạn chế về quyền sử dụng đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2.2. Liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch
Người dân có thể đến trực tiếp Phòng Tài nguyên và Môi trường quận/huyện nơi có đất để hỏi cụ thể về thông tin quy hoạch. Dựa trên thông tin nhà đất mà người dân cung cấp, cán bộ chức năng sẽ tra cứu bản đồ quy hoạch và giải đáp cho họ biết mảnh đất đó có nằm trong khu quy hoạch nào hay không.
Đây là cách kiểm tra quy hoạch đất an toàn và có độ chính xác cao.
2.3. Tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến
Người dân có thể truy cập cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất và xem thông tin quy hoạch được đăng tải. Ví dụ, muốn tra cứu thông tin quy hoạch tại huyện Tam Đảo, người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử huyện Tam Đảo. Tại cổng thông tin này, quy hoạch sử dụng đất sẽ được cập nhật chi tiết theo từng địa phương, kèm theo đó là bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch để người dân tiện theo dõi.
2.4. Xin thông tin quy hoạch đất ở Văn phòng đăng ký đất đai
Người dân có thể khai thác hệ thống thông tin đất đai do Nhà nước cung cấp bằng các phiếu yêu cầu và thực hiện trả phí. Trong trường hợp từ chối cung cấp thông tin đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngoài 4 cách trên, hiện nay cũng có nhiều ứng dụng tra cứu quy hoạch trực tuyến với giao diện trực quan, dễ sử dụng. Người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng,… có kết nối internet để tải về, cài đặt và làm theo hướng dẫn là có thể xem thông tin quy hoạch đất liên quan đến khu vực mà mình quan tâm.
Trên đây là hướng dẫn của Luật Hùng Phúc về cách kiểm tra mảnh đất có thuộc quy hoạch hay không.
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc
- Điều kiện để cá nhân nhận thế chấp sổ đỏ? Thủ tục thực hiện như thế nào?
- Thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- 7 loại tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu trên sổ đỏ, sổ hồng
- Hướng dẫn thủ tục tách sổ đỏ cho hộ gia đình
- Điều kiện nhà xây không phép được “nộp tiền” để không bị phá dỡ