Luật sư hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hình thành lối đi chung

19/01/2024 09:23
Luật sư hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hình thành lối đi chung

Lối đi chung có thể được hình thành khi chủ sở hữu đất quyết định tách đất thành nhiều thửa nhỏ từ một mảnh lớn ban đầu. Tách thửa đất hình thành lối đi chung không phải là thủ tục hiếm gặp, tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ được trình tự thực hiện của thủ tục này. Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây.

1. Lối đi chung là gì?

Lối đi là phần đất được bỏ ra để làm đường đi từ một hoặc nhiều hộ gia đình ra đường công cộng. Lối đi của một hộ gia đình thì được gọi là lối đi riêng. Lối đi dành cho nhiều hộ gia đình thì gọi là lối đi chung.

Quy định về lối đi riêng dễ hiểu, dễ áp dụng hơn do chỉ dành cho một hộ gia đình. Còn lối đi chung dành cho nhiều hộ gia đình nên thường xảy ra tranh chấp.

Căn cứ vào tình hình thực tế, nguồn gốc đất của lối đi chung có thể rơi vào một trong số những trường hợp sau:

  • Lối đi chung là phần diện tích đất được ghi trên sổ đỏ của một hộ. Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, các hộ dân liền kề có thể sử dụng chung nhưng đấy không thuộc quyền sở hữu của họ và không thể yêu cầu đưa phần diện tích này vào sổ đỏ. Quyền tách sổ này thuộc về chủ sở hữu của mảnh đất đó.
  • Lối đi chung thể hiện trên sổ đỏ không rõ ràng, không nêu cụ thể phần diện tích này thuộc quyền sở hữu của ai mà chỉ ghi chú là đường đi chung. Như vậy, trường hợp này không ai thực hiện tách sổ được.
  • Lối đi chung được hình thành khi chủ sở hữu và sử dụng đất tiến hành tách ra nhiều thửa nhỏ từ thửa đất lớn ban đầu, thông tin sẽ ghi rõ trên sổ đỏ với diện tích, sở hữu cụ thể. Ai là chủ sở hữu của mảnh đất dùng để làm lối đi thì người đó có quyền tách sổ. Nếu lối đi thuộc sở hữu chung thì một ai đó muốn tách sổ phải được sự đồng ý của những người còn lại.
Luật sư hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hình thành lối đi chung
Luật sư hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hình thành lối đi chung

2. Thủ tục tách thửa hình thành lối đi chung

– Trường hợp lối đi chung do tách thửa đất ra, thủ tục cấp Sổ đỏ thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, gồm:

  • Bản đo vẽ tách thửa;
  • Văn bản chấp thuận tách thửa;
  • Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của các bên;
  • Sổ hộ khẩu hoặc văn bản có giá trị tương đương;
  • Hợp đồng mua bán, tặng cho… (nếu có);
  • Sổ đỏ bản gốc;
  • Đơn đăng ký biến động đất đai (mẫu 09/ĐK);

Bước 2: Nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ

– Nơi nộp hồ sơ: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất/Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất/Trung tâm hành chính công nơi có đất.

– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành:

  • Đo đạc địa chính để tách thửa;
  • Cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính;
  • Xác nhận biến động;
  • Trình cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ mới cho thửa đất mới được tách ra;
  • Gửi số liệu địa chính sang cơ quan thuế;
  • Các công việc khác (theo Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Bước 3: Nhận kết quả

Người sử dụng đất có yêu cầu và được phép ghi nhận, cấp sổ đỏ cho diện tích đất thuộc đường đi chung hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi nhận sổ đỏ được mang tên mình.

– Trường hợp lối đi chung thuộc diện tích đất được quyền sử dụng hạn chế:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Văn bản thỏa thuận về việc sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề;
  • Bản án/quyết định của Tòa án (nếu có);
  • Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của các bên;
  • Sổ hộ khẩu hoặc văn bản có giá trị tương đương;
  • Hợp đồng mua bán, tặng cho… (nếu có);
  • Sổ đỏ (bản gốc);
  • Đơn đăng ký biến động đất đai (mẫu 09/ĐK);

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai

Cơ quan này thực hiện kiểm tra hồ sơ, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, xác nhận biến động (quy định tại Điều 73 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Bước 3: Nhận kết quả

Người sử dụng đất có yêu cầu và được phép ghi nhận, cấp Sổ đỏ cho diện tích đất thuộc đường đi chung hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi nhận sổ đỏ được mang tên mình.

3. Lối đi chung được thể hiện trên sổ đỏ như thế nào?

Theo Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thông tin về lối đi chung thể hiện trên Sổ đỏ như sau:

– Sơ đồ thửa đất thể hiện các thông tin gồm:

  • Hình thể thửa đất, chiều dài các cạnh thửa;
  • Số hiệu thửa hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng;

– Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất cấp Giấy chứng nhận được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo ghi chú loại chỉ giới, mốc giới.

Trong đó:

  • Trường hợp thửa đất hợp nhất từ nhiều thửa khác có nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất khác nhau hoặc có phần đất sử dụng riêng của một người và phần đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.
  • Trường hợp đất có nhà chung cư mà diện tích đất sử dụng chung của các chủ căn hộ là một phần diện tích của thửa đất thì phải thể hiện phạm vi ranh giới phần đất sử dụng chung đó;

– Sơ đồ nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

  • Sơ đồ nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được thể hiện bằng đường nét đứt liên tục trên sơ đồ thửa đất tại vị trí tương ứng với thực địa. Trường hợp đường ranh giới nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trùng với ranh giới thửa đất thì thể hiện theo ranh giới thửa đất;
  • Sơ đồ nhà ở (trừ căn hộ chung cư), công trình xây dựng thể hiện phạm vi ranh giới xây dựng (là phạm vi chiếm đất tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao) của nhà ở, công trình xây dựng.

Theo quy định nêu trên, có thể thấy lối đi chung trên Sổ đỏ được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.

Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *