Trong quá trình sử dụng đất, khi có tài sản hình thành trên đất thì chủ sử dụng đất nên thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất theo quy định của pháp luật về đất đai để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Công ty Luật TNHH Hùng Phúc sẽ tư vấn cho bạn đọc về thủ tục đăng ký tài sản trên đất.
Theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì: Đăng ký tài sản trên đất hay còn được gọi đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
Theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì: Đăng ký tài sản trên đất là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu. Theo đó, thủ tục đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất vào sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) đã cấp được quy định như sau:
* Điều kiện để đăng ký tài sản trên đất
– Đất phải được sử dụng ổn định, không có tranh chấp;
– Đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Tài sản phải được hình thành hợp pháp trong quá trình sử dụng đất.
* Trường hợp được đăng ký tài sản trên đất
– Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
– Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
– Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
– Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.
* Hồ sơ đăng ký:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
– Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
+ Đối với tài sản là nhà ở: Giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở;
+ Đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở thì phải có một trong các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng;
Trường hợp chủ sở hữu công trình không có một trong các loại giấy tờ theo quy định này hoặc công trình được miễn giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu công trình nộp hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đó theo quy định của pháp luật về xây dựng.
+ Đối với tài sản là rừng trồng/cây lâu năm thì phải có một trong các loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng/cây lâu năm.
– Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có);
– Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất.
* Thủ tục thực hiện
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
+ Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
+ Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nếu có nhu cầu.
– Thời gian thực hiện:
+ Không quá 15 ngày, riêng đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 15 ngày.
+ Thời gian được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.
Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi. Liên hệ: 0984 62 4444 để được tư vấn pháp luật trực tiếp, chuyên sâu.
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc