Khi xảy ra tranh chấp về đất đai, các chủ thể có thể lựa chọn giải quyết bằng các phương thức khác nhau như thương lượng, hòa giải hoặc thông qua tố tụng. Tuy nhiên, có những loại tranh chấp về đất đai bắt buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi tiến hành khởi kiện ra Tòa án. Vậy đó là những loại tranh chấp nào?
1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp về đất đai và các phương thức giải quyết tranh chấp
Tranh chấp về đất đai là khái niệm rộng hơn, bao hàm cả các tranh chấp đất đai. Bao gồm tất cả các tranh chấp có liên quan đến đất đai như: tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất; tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất; tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất;…
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Các phương thức giải quyết tranh chấp về đất đai
Một khi xảy ra tranh chấp thì việc giải quyết tranh chấp được xem là nhu cầu tất yếu. Tranh chấp về đất đai có thể giải quyết qua nhiều phương thức, phổ biến nhất là:
- Thương lượng: Các bên tranh chấp tự mình tiến hành giải quyết thông qua thương lượng với nhau.
- Hòa giải: Thông qua bên thứ ba có vai trò trung gian. Có thể là đại diện của khu dân cư; Ủy ban nhân dân cấp xã;…
- Khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền: Tòa sẽ ra Quyết định/Bản án buộc các bên phải thi hành.
2. Hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai
Bản chất của hòa giải là thuyết phục và thỏa thuận dựa trên ý chí của các bên tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba có vai trò trung gian. Các bên tranh chấp có thể lựa chọn tiến hành hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải trừ trường hợp dưới đây.
Đối với các tranh chấp về “ai là người có quyền sử dụng đất” thì phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi được Tòa án thụ lý và giải quyết. Đây là quy định bắt buộc tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
“Điều 3. Về chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
…
2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết chỉ những tranh chấp liên quan đến “Ai là người có quyền sử dụng đất” thì bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Còn các tranh chấp khác như: “tranh chấp về thừa kế, chia tài sản chung giữa vợ và chồng, tranh chấp các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất” thì không bắt buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của chúng tôi. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi. Vui lòng liên hệ: 0984 62 4444 để được tư vấn pháp luật trực tiếp, chuyên sâu.
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc
- Hướng dẫn cách tính tạm ứng án phí khi khởi kiện tranh chấp đất đai
- Mẫu đơn và thủ tục đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch mới nhất
- Khi nào được công nhận đất ở vượt hạn mức?
- Chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn lên thổ cư tại Vĩnh Phúc
- Năm 2024 người dân phải nộp những khoản tiền sử dụng đất nào?