Hiện nay việc giao khoán đất nông nghiệp được quy định như thế nào? Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Đất nông nghiệp là gì?
Theo khoản 1 Điều 10 Luật đất đai 2013, nhóm đất nông nghiệp được phân chia thành các loại sau đây:
“1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất rừng sản xuất;
d) Đất rừng phòng hộ;
đ) Đất rừng đặc dụng;
e) Đất nuôi trồng thủy sản;
g) Đất làm muối;
h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh”
2. Giao khoán đất được hiểu như thế nào?
– Giao khoán đất là hình thức thỏa thuận thực hiện công việc trong các hoạt động quản lý, sử dụng, sản xuất, bảo vệ giữa bên giao khoán và bên nhận giao khoán có thời hạn theo hợp đồng giao khoán đất.
– Chủ thể giao khoán đất: Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ; các Công ty nông, lâm nghiệp
– Bên nhận khoán đất: Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương (Xã, phường, thị trấn) theo quy định của luật cư trú năm 2006; cộng đồng dân cư thôn theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Luật đất đai năm 2013 nơi có đối tượng khoán.
3. Quy định về giao khoán đất nông nghiệp hiện nay
Căn cứ các quy định tại Luật đất đai 2013, Nghị định 168/2016/NĐ-CP và nghị định 47/2014/NĐ-CP, giao khoán đất được quy định cụ thể như sau:
3.1. Hình thức khoán
Theo Điều 5 Nghị định 168/2016, có 2 hình thức khoán sau đây:
* Khoán công việc, dịch vụ
– Khoán trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng đối với diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
– Khoán sản xuất kinh doanh theo năm hoặc theo thời vụ thu hoạch đối với vườn cây và mặt nước trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
* Khoán ổn định
– Khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên theo biện pháp kỹ thuật lâm sinh. Không áp dụng các hình thức khoán này trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
– Khoán theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh đối với diện tích rừng trồng, vườn cây mặt nước thực hiện khoán.
3.2. Thời hạn khoán
Điều 6 Nghị định 168/2016/NĐ-CP quy định về thời hạn khoán:
– Thời hạn khoán công việc, dịch vụ: Theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán nhưng tối đa không quá 01 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.
– Thời hạn khoán ổn định: Theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng tối đa không được quá 20 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất
– Trường hợp hợp đồng hết hạn, nếu bên nhận khoán không vi phạm hợp đồng khoán, đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 4 nghị định này, có nhu cầu nhận khoán thì được tiếp tục ký hợp đồng.
3.3. Hạn mức khoán
Đối với khoán công việc, dịch vụ hạn mức khoán do bên khoán và bên nhận khoán thỏa thuận. Trường hợp khoán ổn định theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, bên khoán căn cứ vào quy mô diện tích khoán và nhu cầu của bên nhận khoán để thỏa thuận và xác định hạn mức khoán phù hợp, trong đó:
– Hạn mức khoán cho cá nhân theo thỏa thuận, nhưng không quá 15 héc ta.
– Hạn mức khoán cho hộ gia đình theo thỏa thuận, nhung không quá 30 héc ta.
– Hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn theo thỏa thuận, nhưng tổng diện tích khoán không vượt quá tổng diện tích bình quân mỗi hộ gia đình trong cộng đồng không quá 30 héc ta tại thời điểm hợp đồng khoán.
3.4. Đơn giá khoán và chia sẻ lợi ích
Căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định 168/2016-NĐ-CP:
– Đơn giá khoán làm cơ sở để thỏa thuận giá trị hợp đồng khoán được xác định theo suất đầu tư hoặc mức hỗ trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc chia sẻ lợi ích trên diện tích khoán áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước và thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng khoán.
– Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, thì bên khoán và nhận khoán căn cứ vào Điều kiện thực tế ở địa phương để thỏa thuận đơn giá khoán và chia sẻ lợi ích phù hợp.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến giao khoán đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Mọi vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc