Theo quy định của pháp luật, Nhà nước chỉ được cưỡng chế thu hồi đất khi có đầy đủ 04 điều kiện sau đây.
1. 04 điều kiện cưỡng chế thu hồi đất
Theo khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013, cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục.
– Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
– Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.
– Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.
Như vậy, Nhà nước tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất khi có đủ 04 điều kiện nêu trên.
2. Thẩm quyền, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất
* Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế:
Người có thẩm quyền ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất là Chủ tịch UBND cấp huyện (theo khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013).
* Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế:
Căn cứ khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai 2013, quá trình cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện thông qua 03 bước sau đây:
Bước 1: Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế
Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
Bước 2: Vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế
Ban cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế, theo đó:
– Nếu người bị cưỡng chế chấp hành: Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
– Nếu người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế: Tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Bước 3: Tổ chức thực hiện cưỡng chế
– Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế. Trường hợp không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
– Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Ngoài ra, trong quá trình cưỡng chế, Công an có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, UBND cấp xã nơi có đất bị cưỡng chế thực hiện các công việc sau:
– Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, cùng tham gia thực hiện cưỡng chế;
– Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Xem thêm: Quy trình cưỡng chế thu hồi đất
3. Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất
Hiện nay các Luật và Nghị định có liên quan không quy định cụ thể về thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Thay vào đó, thời hạn này sẽ được ghi tại Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT. Như vậy, có thể thấy thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất sẽ được quy định khác nhau và được ghi rõ trong Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc