Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản

13/12/2023 15:14
Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản

Để chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản thì dự án cần đáp ứng những điều kiện gì? Điều kiện đối với bên bán? Điều kiện đối với bên mua? Luật Hùng Phúc xin được giải đáp qua bài viết dưới đây.

1. Điều kiện để dự án bất động sản được chuyển nhượng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, dự án bất động sản được chuyển nhượng phải có đủ các điều kiện sau:

– Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt;

– Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ đã được phê duyệt;

– Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.

1.1. Điều kiện đối với bên bán

Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. (Khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014)

1.2. Điều kiện đối với bên mua

Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án. (Khoản 3 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản)

Bên cạnh đó, đối với chủ thể chuyển nhượng là người nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất”. Phạm vi kinh doanh BĐS dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài so với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có phần bị hạn chế hơn. Cụ thể: các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng trên đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để cho thuê. Chỉ được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Có thể thấy, việc thắt chặt quy định về chuyển nhượng dự án BĐS đối với nhà đầu tư nước ngoài một phần nào tạo ra tâm thế e ngại của các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư BĐS vào Việt Nam bằng cách nhận chuyển nhượng dự án, trong khi họ có tiềm lực về tài chính hoặc năng lực vận hành, quản lý dự án và một số dự án tồn đọng ở Việt Nam cũng quá nhiều cần phải giải quyết.

Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản
Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản (Ảnh minh hoạ)

2. Thẩm quyền cho phép chuyển nhượng

Về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án BĐS, Điều 50 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS đối với các dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc đầu tư; Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư. Trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định và thành phần hồ sơ chuyển nhượng dự án BĐS được quy định tại Điều 51 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 và Nghị định số 76/2015/NĐ-CP, Quyết định số 832/QĐ-BXD

3. Nguyên tắc chuyển nhượng

Chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản cho người khác tuy nhiên, cần đảm bảo các nguyên tắc theo quy định.

Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là một trong những hình thức kinh doanh bất động sản có sẵn. Việc chuyển nhượng sẽ do các bên thỏa thuận thông qua hợp đồng.

Theo Điều 48 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 các nguyên tắc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được quy định cụ thể như sau:

1. Chủ đầu tư dự án bất động sản được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác để tiếp tục đầu tư kinh doanh.

2. Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

– Không làm thay đổi mục tiêu của dự án.

– Không làm thay đổi nội dung của dự án.

– Bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan.

3. Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc được đăng ký biến động vào giấy chứng nhận đã cấp cho chủ đầu tư chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản không phải làm lại hồ sơ dự án, quy hoạch xây dựng và giấy phép xây dựng của dự án nếu không có thay đổi về nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của dự án.

Mọi vướng mắc cần trợ giúp liên quan đến các thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai, ... Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *